Tạm gác lại nỗi lo toan vì lũ lụt, đội nghệ nhân cồng chiêng xã Ia Broăi- đại diện cho huyện Ia Pa (Gia Lai) ngược dòng đoàn người cứu trợ để ra trụ sở UBND xã tập luyện trước khi lên đường đến TP. Pleiku dự Festival Cồng chiêng Quốc tế.

Sáng ngày 7-11, sau khi cơn lũ lịch sử đi qua được 3 ngày, hầu hết các gia đình của xã Ia Broăi còn bận bịu với việc tu sửa, dựng lại nhà cửa, số ít tỏa đi về phía hạ lưu sông Ba tìm kiếm đồ đạc, trâu bò bị cuốn trôi và nhận hàng cứu trợ… Con đường độc đạo Đông sông Ba chi chít ổ trâu, ổ voi nhiều đoạn trơ ra vực sâu và ghềnh đá. Anh Nay Ham- cán bộ Văn hóa- Thông tin xã Ia Broăi dẫn đội nghệ nhân cồng chiêng 32 người đi bộ ra trụ sở UBND xã để tập luyện. Anh nói: “Sau mấy ngày chống chọi với cơn lũ, bà con mệt quá rồi. Trong đội cồng chiêng nhà ai cũng bị nước ngập, cuốn trôi hết tài sản. Nhiều người thiệt hại nặng, bị sập nhà và lũ cuốn mất 2-3 con. Tuy nhiên, vì thành công của Festival bà con tạm gác lại việc nhà và có mặt đông đủ…”.

Sau khi đã kiểm tra đủ 32 người trong đội nghệ nhân (cả đánh chiêng, múa xoang và chỉnh chiêng), nghệ nhân chỉnh chiêng Rơ Lan Phoa (buôn Broăi) bắt đầu kiểm tra lại âm sắc của bộ chiêng Aráp có 15 lá chiêng mà đoàn đã nhọc công gùi theo. Ông ngồi bệt xuống tấm vải trải ra nền đất để “đất cát đừng bám vào làm lạc tiếng chiêng”, rồi lần lượt lật úp từng chiếc chiêng xuống, từ từ dùng tay xoa đều theo vòng tròn khắp mặt, sau đó dựng cái chiêng lên, dùng một cái dùi gỗ có gắn núm bọc vải đều đều đánh vào vú chiêng để thử tiếng. Tiếp đó, ông lật ngửa cái chiêng ra và dùng một cây búa khác bằng sắt nhỏ có đầu búa dài để gõ vào mặt chiêng vừa thử tiếng vừa chỉnh sửa. “Bộ chiêng của buôn Broăi này cũ rồi và tiếng không chuẩn nên phải chỉnh lại. Âm chuẩn phải là tiếng chiêng nghe ấm mà vang vọng như tiếng gọi của tâm linh vang vọng vào đất trời, núi rừng đến với các đấng thần linh”- ông Rơ Lan Phoa vừa chỉnh chiêng vừa nói.

Ông Nguyễn Trọng Chính- Phó Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Ia Pa cho biết: “Đây là đội chiêng xuất sắc nhất của huyện, thường xuyên giành giải trong các hội diễn. Ngoài chế độ mỗi ngày, mỗi thành viên còn được 40.000 đồng. Huyện đã phân phát trước hàng cứu trợ bão lũ 30 kg gạo, cùng tiền theo chế độ của Nhà nước và đặc cách cho mỗi thành viên đoàn nghệ nhân 2 thùng mì tôm. Lực lượng bộ đội về giúp dân khắc phục hậu quả cơn lũ cũng ưu tiên giúp sửa nhà các thành viên bị sập, như trường hợp của chị Ksor H’Ngôi ở buôn Broăi và nhiều nhà khác. Riêng các mô hình biểu diễn như: Nhà rông, cây nêu, con trâu giả… đã bị nước lũ cuốn trôi sẽ được huyện chi tiền làm lại”.

Đến thời điểm này, các thành viên trong đoàn nghệ nhân cồng chiêng xã Ia Broăi đã tự tin đại diện cho huyện Ia Pa mang tiếng cồng chiêng ra trình diễn với các đoàn bạn, để tiếng cồng chiêng của các buôn làng, tộc người trong khu vực Đông Nam Á được giao thoa, đồng vọng ước nguyện của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đức Phương