Cụ Bùi Meo- tức thầy giáo Lên hiện là chủ nhân ngôi nhà cổ nhất ở An Khê (thuộc phường An Phú, thị xã An Khê). Có lẽ khu đất cao ráo này là một trong những nơi quần cư đầu tiên của người Kinh vừa đặt chân lên đèo Măng (cửa mở An Khê). Dân ở đâu thì thần ở đó. Và đình miếu An Lũy cũng phôi thai từ ấy. Vóc dáng ngôi nhà tôn nghiêm do nghệ nhân miền hạ đạo dày công đẽo khắc chạm trổ tinh vi: Gia nguyên chày cối đặt trên trính ba lá uốn cong, kèo tam đoạn đầu lân, tạ xoi sen bạo chỉ xổ. Cái khó nhất của tay nghề được truyền tụng “Khuôn lồng miệng ba, bàn khoa chỉ mồng” đều thể hiện ở đây với nét tài hoa và sinh động (thời giặc dồn dân ra phố, chúng tháo hai bộ bàn khoa chở về xuôi, phải thay vào hai gian phên dại).

Ngôi nhà cổ cụ bùi Meo. Ảnh: Nhất Hạnh



Ông Bùi Meo vừa lên ba, cha mất sớm, mẹ tái giá theo chồng. Tuổi thơ nếm mùi khổ ải đủ đường. May nhờ bá phụ Bùi Vinh đưa cháu về nuôi dưỡng trong tình nghĩa ruột rà, được cho ăn học đàng hoàng. Cụ Bùi Meo tâm sự: “Khi tôi về với bác, ngôi nhà đã có từ xưa. Trước năm 1975, các nhà báo ở Sài Gòn về tìm hiểu và viết bài nghiên cứu đăng lên báo năm 1974; lúc ấy ngôi nhà đã có tuổi thọ 215 năm. Nếu quả vậy thì ngôi nhà xây dựng năm 1759”.

Hai người chị- con chú bác (con ông Bùi Vinh) với ông Bùi Meo là: Bùi Thị Nghiêm và Bùi Thị Mùi cũng từng sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà cổ này.

Chị Bùi Thị Nghiêm là vợ của Đại tá Võ Văn Dật. Theo sách “Tìm hiểu nhận vật Bình Định” của Nguyễn Phu, Nguyễn Thiều: “Võ Văn Dật quê Thạch Bàn, Cát Sơn, Phù Cát là cháu ngoại cụ thủ khoa cử nhân Lê Đức Dĩnh. Ở tuổi vị thành niên, ông Dật đã theo chân đàn anh đi tìm đồng chí. Để biết tường tận hang ổ quân thù, tổ chức đưa ông đi lính Pháp. Có bằng tiểu học nên được bổ ngay chức đội trưởng khố xanh đóng tại An Khê. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Dật đứng vào hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ, sớm kết nạp vào Đảng Đông Dương, từng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 trên mặt trận Tây Nguyên- Bình Định. Năm 1955 tập kết ra Bắc. Thống nhất đất nước, ông về hưu ở Quy Nhơn với quân hàm Đại tá. Năm 1995, ông lâm chung. Thọ 81 tuổi.”

Năm 1954, chị Nghiêm đã tiễn chồng và hai cô con gái lên đường tập kết. Trên 10 năm chị sống vò võ giữa nanh vuốt quân thù. Chị từng ban hội tề bắt quản thúc, quản chế nhiều lần, được ông Bùi Meo làm giấy bảo lãnh. Chị mất năm 2005, thọ 86 tuổi.

Chị Bùi Thị Mùi là vợ của Đỗ Trạc. Trong “Lịch sử Đảng bộ huyện An Khê” có đoạn: “Đồng chí Đỗ Trạc- người Bí thư chi bộ đầu tiên, người có công gây dựng phong trào cách mạng địa phương bị chúng bắt từ tháng 1-1947 trong chuyến đi công tác cơ sở. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo quan trọng ở địa phương, thực dân Pháp và bọn tay sai đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc dụ dỗ đến cực hình tra tấn hòng khuất phục người chiến sĩ cộng sản. Bất lực trước tấm gương kiên trung bất khuất của Đỗ Trạc, sáng ngày 7-3-1947 chúng xử bắn đồng chí cùng một số chiến sĩ cách mạng tại sân bóng An Khê”.

Chị Mùi vừa sinh gặp lúc giặc lùng sục, phải võng mẹ con chạy đến trại ông Hồ Nghĩa cạnh lỗ sa lánh nạn, vì dầm mưa gió chị sản hậu chết năm 1945 vừa tròn 19 tuổi. Anh Đỗ Trạc ở Quảng Ngãi kịp về nhìn mặt vợ lần cuối. Hiện nay, Đỗ Thị Thương (con gái đồng chí Đỗ Trạc) đang sống ở thành phố Pleiku.
Có thể coi ngôi nhà cổ ấy là chứng nhân lịch sử và đã cưu mang bồi đắp cho những thành viên sống và làm việc từ thai nghén đến đỉnh cao của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở địa phương An Khê.

(Báo Gia Lai)